Xử lý chồng chéo từ xác định thẩm quyền, thực hiện thẩm quyền của các cơ quan thanh tra
Để khắc phục tình trạng chồng chéo trùng lặp trong hoạt động
thanh tra, trong thời gian tới, ngành Thanh tra cần thực hiện một số giải pháp
chủ yếu về xác định thẩm quyền và thực hiện thẩm quyền của các cơ quan thanh
tra.
Trong những năm gần đây, việc xử lý chồng chéo trong hoạt động
thanh tra, kiểm tra, đã được Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP) quan tâm, chỉ
đạo sát sao theo các quy định hiện hành, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của
lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và thủ trưởng các bộ, ban, ngành và địa
phương nhìn chung các cơ quan thanh tra đã chủ động rà soát, phối hợp kịp thời
phân định thẩm quyền, xử lý chồng chéo được phát hiện qua xây dựng kế hoạch
thanh tra, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra
hàng năm; do vậy số lượng các cuộc thanh tra chồng chéo, trùng lặp đã giảm đáng
kể, đã hạn chế tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, mang
lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu phiền hà cho đối tượng thanh tra,
tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thanh tra hoạt động bình thường, tập
trung sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động
thanh tra.
Tuy vậy, thực tế vẫn còn những hạn chế, vướng mắc trong việc xác
định, thực hiện thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động
thanh tra như: (i) Tổ chức thanh tra chưa phù hợp với đặc điểm
và yêu cầu quản lý của từng bộ, ngành, địa phương, chưa thể hiện thanh tra là
công cụ đắc lực của cơ quan quản lý với tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ
và sự tự chủ của các cơ quan quản lý trong việc tổ chức cơ quan thanh
tra. (ii) Công tác xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra,
kiểm tra, mặc dù đã đem lại hiệu quả bước đầu nhưng nhìn chung vẫn chưa có sự
phối hợp đồng bộ, nhất quán và hiệu quả trong toàn ngành Thanh tra. (iii) Sự
phân định về phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra chưa rõ ràng, chưa
phân biệt rõ giữa thanh tra và hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản
lý; giữa TTCP với Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh; giữa Thanh tra bộ với Thanh tra
tỉnh, Thanh tra sở; giữa Thanh tra tỉnh với Thanh tra huyện và Thanh tra sở;
giữa Thanh tra bộ, ngành với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra
chuyên ngành... Điều này dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh
tra, nhất là chồng chéo giữa cơ quan thanh tra nhà nước với cơ quan được giao
thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, giữa hoạt động thanh tra hành chính
và hoạt động thanh tra chuyên ngành hoặc tình trạng né tránh, bỏ trống, buông
lỏng; việc phân công, giao nhiệm vụ còn một số cuộc thanh tra chưa thực hiện
đúng phân cấp, phân quyền, chưa đúng chức năng, nhiệm vụ, làm giảm trách nhiệm
của các ngành trong chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra; việc phối
hợp giữa các cơ quan thanh tra, giữa thanh tra với các cơ quan có liên quan
chưa thực sự quyết liệt, chủ yếu dựa trên các kế hoạch thanh tra hoặc căn cứ
vào quy chế phối hợp; thiếu chủ động, thường xuyên và chưa hiệu quả, nhất là
trong xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra nhằm hạn chế sự chồng chéo, trùng
lặp;... Do đó, số lượng các cuộc thanh tra chồng chéo, trùng lặp được rà soát,
phát hiện trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra và trong quá trình tiến
hành thanh tra chưa phản ánh hết thực trạng, còn gây bức xúc cho đối tượng
thanh tra. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới ngành Thanh tra cần
quan tâm thực hiện một số giải pháp chủ yếu như sau:
1. Một số giải pháp xác định thẩm quyền
- Phân định hoạt động rõ ràng, rành mạch giữa thẩm quyền,
chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra nhà nước, giữa hoạt động thanh
tra và kiểm tra trong các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường phối hợp giữa
các cơ quan thanh tra trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với
hoạt động kiểm tra, nhất là phối hợp trong xây dựng kế hoạch thanh tra và xử lý
chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; tăng cường công tác chỉ đạo
điều hành hoạt động thanh tra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; củng cố,
kiện toàn bộ máy, phát triển nguồn nhân lực thanh tra đảm bảo đồng bộ; phân
định rõ thẩm quyền giữa thanh tra các cấp hành chính, giữa thanh tra hành chính
và thanh tra chuyên ngành; giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan có thẩm quyền
khác trong việc thanh tra, kiểm tra; xây dựng cơ chế phối hợp để hoạt động
thanh tra, kiểm tra có tính thống nhất, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp.
Với tinh thần trên, Luật Thanh tra năm 2022 (có hiệu lực từ
01/7/2023) đã lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên tại Luật Thanh tra năm
2010, vì hình thức thanh tra thường xuyên được tiến hành trên cơ sở chức năng,
nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước thường gắn với việc thực hiện các nhiệm
vụ thường ngày về chuyên môn, kỹ thuật của cơ quan đó, không đúng với tính chất
của hoạt động thanh tra. Việc thực hiện hoạt động thanh tra thường xuyên có sự
trùng lặp với hoạt động kiểm tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước. Do
đó, Luật Thanh tra năm 2022 không tiếp tục quy định hình thức thanh tra thường
xuyên nhằm phân định rõ giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, góp
phần khắc phục hạn chế đã được chỉ ra qua tổng kết về tình trạng “chồng chéo, trùng
lặp” dẫn đến lạm dụng, khó phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra. Đồng thời,
Luật bổ sung một số quy định có tính nguyên tắc về thẩm quyền, trách nhiệm,
trình tự, thủ tục đối với hoạt động kiểm tra (Điều 6) để các cơ quan hành chính
nhà nước thực hiện có hiệu quả hơn công tác quản lý nhà nước trong phạm vi được
giao phụ trách và bổ sung các nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt
động thanh tra (Điều 55). Do vậy, cần sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số
06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh
tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, hướng dẫn cụ thể về thẩm
quyền thanh tra của các cơ quan thanh tra nhà nước đối với doanh nghiệp nhà
nước; phân định rõ phạm vi thanh tra (nội dung, đối tượng) của Thanh tra bộ với
Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở hoặc Thanh tra huyện, giữa Thanh tra bộ hoặc Thanh
tra tổng cục, cục với cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ… khi tiến
hành thanh tra doanh nghiệp nhà nước theo phạm vi quản lý nhà nước của thủ
trưởng cơ quan cùng cấp. Ngoài ra, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xây dựng và
ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về kiểm tra của cơ quan nhà nước
đối với doanh nghiệp nhà nước để có cơ sở pháp lý, quy trình riêng cho hoạt
động kiểm tra nhằm phân định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong hoạt động
thanh tra, kiểm tra; đồng thời bổ sung hướng dẫn về tổ chức thanh tra nội bộ
trong doanh nghiệp nhà nước để có sự thống nhất trong tổ chức và hoạt động.
- Tiếp tục tăng cường sự phối hợp trong xây dựng và triển khai
kế hoạch giữa TTCP với Thanh tra các bộ, ngành, địa phương, giữa các cơ quan
thanh tra với các cơ quan có chức năng kiểm tra khác, để tránh chồng chéo,
trùng lặp về thời gian và phạm vi thanh tra (theo tinh thần tại Chương VI Luật
Thanh tra năm 2022); cần nâng cao việc công khai và thống nhất về Kế hoạch
thanh tra hằng năm trước khi ban hành nhằm giảm các cuộc thanh tra chồng chéo,
trùng lặp hoặc điều chỉnh thời gian, phạm vi thanh tra khi triển khai thực hiện
các cuộc thanh tra theo kế hoạch nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng
lặp và không gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh
tra. Nâng cao trách nhiệm các cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên
ngành, chính quyền địa phương phải căn cứ vào Kế hoạch thanh tra hằng năm của
TTCP để xây dựng Kế hoạch thanh tra và báo cáo kịp thời khi triển khai thực
hiện, đặc biệt khi phát hiện có chồng chéo, trùng lặp. Theo đó, cần kiến nghị
cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày
23/4/2014 của TTCP quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình
thanh tra, kế hoạch thanh tra cho phù hợp với tình hình thực tiễn; bổ sung quy
định và xây dựng cơ chế tạo quyền chủ động cho doanh nghiệp nhà nước khi phát
hiện có chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra tại đơn vị mình và có
căn cứ, hồ sơ, tài liệu chứng minh về sự chồng chéo, trùng lặp đó thì có quyền
đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét dừng hoặc hoãn hoạt động thanh tra bị
chồng chéo, trùng lặp. Trong trường hợp có cơ sở xác định việc chồng chéo,
trùng lặp cơ quan có thẩm quyền phải chấp thuận đề nghị của doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, xác
định nội dung trọng tâm là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các
nội dung quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực để kịp thời nắm bắt các
vướng mắc, khó khăn và xử lý các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện các
quy định về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo tinh thần tại
Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân
quyền trong quản lý nhà nước. Thực hiện phân cấp, phân quyền cần phải điều
chỉnh theo yêu cầu cải cách hành chính, nhằm bảo đảm phân định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn của các cơ quan không bị chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện
chức năng quản lý, phát huy tính chủ động sáng tạo, hoạt động khoa học, hiệu
quả; tăng cường tính công khai, minh bạch trong chỉ đạo, điều hành và trong tổ
chức thực hiện; thực hiện quyết liệt việc đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy tinh
gọn, lựa chọn những người có đức, có tài vào trong bộ máy nhằm giúp hoạt động
của cơ quan quản lý nhà nước có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, cần gắn với
công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, phát hiện, xử lý, chấn chỉnh những
bất cập, hạn chế, vi phạm trong công tác quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Một số giải pháp thực hiện thẩm quyền
- Bám sát Định hướng chương trình thanh tra hằng năm được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt, thực hiện nghiêm các quy chế phối hợp được ký kết
giữa các cơ quan và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã
hội ở các cấp, các ngành để triển khai công tác thanh tra; đổi mới trong tổ
chức thực hiện kế hoạch thanh tra; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào
hoạt động thanh tra; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là các nhiệm
vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao trách nhiệm của
người đứng đầu các cơ quan thanh tra nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ được
giao theo thẩm quyền, nhất là việc thực hiện phân cấp, phân quyền; xử lý nghiêm
các trường hợp để xảy ra đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, thực hiện không
đúng thẩm quyền dẫn đến chồng chéo, trùng lặp hoặc buông lỏng, tạo khoảng trống
trong hoạt động thanh tra.
- Tăng cường theo dõi, đôn đốc, phổ biến, quán triệt việc thực
hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động
thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, nâng cao nhận thức của cán bộ, công
chức, tổ chức, cá nhân hiểu đúng và thực hiện đúng quy định về chồng chéo,
trùng lặp trong hoạt động thanh tra. Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra,
hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, đổi mới công tác thanh tra theo hướng
tăng cường thanh tra theo chuyên đề, giảm thanh tra vụ việc, chú trọng thực
hiện tốt mục tiêu của thanh tra là tập trung vào việc phát hiện, chấn chỉnh và
xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi những sơ hở, bất cập
trong công tác quản lý và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; phát hiện
mô hình mới, có hiệu quả để nhân rộng; thúc đẩy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả
của công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, cải cách hành chính,
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
- Các cơ quan thanh tra nhà nước tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ
chức, bộ máy nâng cao nhận thức của cán bộ thanh tra cả về chuyên môn, nghiệp
vụ và đạo đức nghề nghiệp; nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định thanh
tra, trưởng đoàn thanh tra và thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh
tra trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn
vị liên quan để kịp thời xử lý khi có sự chồng chéo, trùng lặp hoặc buông lỏng,
đùn đẩy trách nhiệm trong hoạt động thanh tra. TTCP chỉ đạo thanh tra các cấp,
các ngành tập trung hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, bộ máy và chức năng, nhiệm vụ
quyền hạn của các cơ quan thanh tra để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước
và các hoạt động nghiệp vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán
bộ thanh tra đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh
thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018
về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược. Quán
triệt, nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra theo Luật Thanh tra năm 2022 và
các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 769/CT-TTCP ngày
17/5/2019 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương
hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra; tiếp tục triển khai
thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/BCSĐ ngày 22/7/2022 của Ban cán sự đảng TTCP về
lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành Kết luận thanh tra;
Quyết định số 465/QĐ-TTCP ngày 29/11/2022 về quy chế tổ chức, hoạt động Đoàn
thanh tra của TTCP; Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ ngày 06/6/2023 của Ban cán sự đảng
TTCP về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra nhằm tạo chuyển biến
mạnh mẽ về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, tổ chức thanh tra trong việc
thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra; tích cực, chủ động đổi mới phương thức
lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động thanh tra; làm rõ trách nhiệm của từng
cơ quan, đơn vị, cá nhân trong hoạt động thanh tra, cũng như chủ động trong
việc phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời thiếu sót, vi phạm trong
hoạt động thanh tra.
ThS. Nguyễn Viết Cường
Trưởng
phòng nghiệp vụ 3, Cục II, Thanh tra Chính phủ
ThS.
Nguyễn Thị Hồng Thắm
Thanh
tra viên chính, Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ
Nguồn:
thanhtravietnam.vn (15/5/2024)