Cơ sở pháp lý để hoạt động thanh tra ngày càng hiệu lực, hiệu quả và chuyên nghiệp
Việc chuẩn hóa trình tự, thủ tục và mẫu các văn bản sẽ góp phần nâng cao
chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các cuộc thanh tra, kết luận thanh tra sẽ khắc
phục được việc ban hành chậm và quá trình thanh tra người tiến hành thanh tra,
người thực hiện giám sát, người thực hiện thẩm định phải thực hiện nghiêm các
quy định, từ đó đưa hoạt động thanh tra theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả
Luật Thanh tra được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
thông qua ngày 14/12/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 (gọi tắt là
Luật Thanh tra năm 2022). Tiếp đến ngày 30/6/2023 Chính phủ nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định số 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết
một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra (gọi tắt là Nghị định số 43),
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023. Ngày 11/01/2024 Chính phủ
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy
định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ
quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (gọi tắt là Nghị định
số 03), Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2024.
Trong suốt thời gian từ khi Luật Thanh tra năm 2022 và 02 Nghị định nêu
trên có hiệu thi hành, hoạt động thanh tra vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá
trình tiến hành thanh tra, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và tính chuyên nghiệp
của hoạt động thanh tra chưa thể hiện rõ nét, kết luận thanh tra vẫn chậm được
ban hành… Những nội dung cụ thể để tạo sự thuận lợi cho cơ quan thực hiện chức
năng thanh tra, người tiến hành thanh tra chưa được đưa ra mà chỉ mang tính
chung chung, như: Thu thập thông tin trước khi tiến hành thanh tra, trách nhiệm
của Trưởng đoàn thanh tra trong việc phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra,
trong việc phân công nhiệm vụ cho thành viên Đoàn thanh tra, báo cáo kết quả
thực hiện nhiệm vụ của thành viên Đoàn thanh tra, xây dựng dự thảo báo cáo kết
quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra, họp tổng kết hoạt động Đoàn thanh
tra, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra,
xử lý các hành vi vi phạm…và các mẫu để thực thi đồng bộ, thống nhất chưa có.
Đây chính là những trở ngại, rào cản rất lớn (khó giải quyết và khó thực hiện)
khi tiến hành các cuộc thanh tra đối với các cơ quan thực hiện chức năng thanh
tra.
Ngày 18/12/2024 Thanh tra Chính phủ ban hành Thông
tư số 08/2024/TT-TTCP (gọi tắt là Thông tư số 08) hướng dẫn thực hiện quy định
về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, Thông tư này có hiệu lực thi
hành từ ngày 03/2/2025. Thông tư 08 đã quy định cụ thể về vấn đề thu thập thông
tin trước khi tiến hành một cuộc thanh tra, nội dung này nhằm tránh việc lợi
dụng thu thập thông tin để sách nhiễu, tiêu cực; trách nhiệm của Trưởng đoàn
thanh tra trong việc phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra khi được phê duyệt,
việc phân công nhiệm vụ cho thành viên Đoàn thanh tra, điều này nhằm tạo điều
kiện thuận lợi, dễ dàng cho công tác kiểm tra, giám sát; trách nhiệm của Đoàn
thanh tra trong việc báo cáo tiến độ tiến hành thanh tra theo yêu cầu của người
ra quyết định thanh tra, chính nội dung này là cơ sở để nâng cao chất lượng
cuộc thanh tra, là chìa khóa để bảo đảm tiến độ thanh tra, khắc phục hạn chế
trong hoạt động thanh tra; báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ, báo cáo đột xuất
theo yêu cầu của Trưởng đoàn thanh tra và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ
thanh tra của thành viên Đoàn thanh tra, điều này sẽ góp phần nâng cao trách
nhiệm của thành viên Đoàn thanh tra trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; về
xây dựng dự thảo báo cáo kết quả thanh tra, điều này nhằm phát huy trí tuệ tập
thể, bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai, minh bạch của báo cáo kết
quả thanh tra; xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, đây là điều cần thiết để
người ra quyết định thanh tra chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra họp, yêu cầu đối
tượng thanh tra báo cáo, giải trình, làm rõ thêm những vấn đề trong dự thảo kết
luận thanh tra; họp tổng kết hoạt động của Đoàn thanh tra, nội dung này hết sức
cần thiết vì tổng kết hoạt động của Đoàn thanh tra nhằm đánh giá kết quả thực
hiện nhiệm vụ thanh tra, qua đó rút ra được các bài học kinh nghiệm về tổ chức
cuộc thanh tra, chỉ đạo điều hành hoạt động thanh tra…nhằm nâng cao chất lượng
hoạt động thanh tra, đề xuất khen thưởng cũng như kiểm điểm trách nhiệm của
từng cá nhân; về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, nội dung này đã quy
định rõ những trường hợp không được giao nhiệm vụ giám sát để tránh xung đột
lợi ích theo quy định của pháp luật; về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra,
Thông tư số 08 đã hướng dẫn cụ thể về chuẩn hóa hồ sơ thẩm định, quá trình thẩm
định, trong đó bắt buộc người thực hiện thẩm định phải có trách nhiệm nghiên
cứu hồ sơ để đưa ra các đánh giá về nội dung dự thảo kết luận thanh tra, việc
tuân thủ thể thức hoặc trình tự thủ tục xây dựng dự thảo kết luận thanh tra,
việc áp dụng pháp luật đối với các nội dung trong dự thảo kết luận thanh tra,
kết thúc thẩm định, người thực hiện thẩm định phải xây dựng báo cáo kết quả
thẩm định…nhằm góp phần nâng cao chất lượng kết luận thanh tra.
Vấn đề xử lý các hành vi vi phạm của người tiến
hành thanh tra, người thực hiện giám sát, người thực hiện thẩm định Thông tư số
08 đã quy định rõ, như: lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái
pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra; lạm
quyền trong quá trình tiến hành thanh tra; thanh tra không đúng thẩm quyền,
không đúng với nội dung quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra đã
được phê duyệt; cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi
phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật phải tiến hành thanh tra, bao che
cho đối tượng thanh tra, cố ý kết luận sai sự thật, kết luận, quyết định, xử lý
trái pháp luật, không kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội
phạm được phát hiện qua thanh tra đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định
việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật; nhận hối lộ, môi giới
hối lộ trong hoạt động thanh tra; tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến
cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa được công khai; can thiệp trái pháp
luật vào hoạt động thanh tra; tác động làm sai lệch kết quả thanh tra, kết
luận, kiến nghị thanh tra; không báo cáo hành vi vi phạm pháp luật đã được phát
hiện, báo cáo, kết luận không đúng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;
làm sai lệch hồ sơ thanh tra; giả mạo, sửa chữa, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ
nhằm kết luận, báo cáo sai sự thật; chiếm đoạt hồ sơ thanh tra…Các hành vi vi
phạm đều bị xử lý tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của các hành vi vi
phạm, Thông tư số 08 cũng hướng dẫn rõ trình tự thủ tục, thẩm quyền xử lý kỷ
luật, hướng dẫn cụ thể ai là người chủ trì kiểm điểm, tổ chức làm rõ trách
nhiệm để có biện pháp xử lý vi phạm…Thông tư số 08 cũng đã ban hành 51 mẫu văn
bản kèm theo. Các mẫu văn bản này đã tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hoạt động
thanh tra, tạo sự thuận lợi cho các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.
Như vậy, cùng với Luật Thanh tra năm 2022, Nghị
định số 43, Nghị định số 03, Thông tư số 08 và các quy định khác của pháp luật
có liên quan chính là hành lang pháp lý để tiến hành một cuộc thanh tra, đã góp
phần giải quyết các vướng mắc trong hoạt động thanh tra, hành lang pháp lý này
quy định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ trình tự, thủ tục đồng thời
những hành vi vi phạm sẽ bị xử lý chính là lời cảnh tỉnh, dăn đe cho mỗi cán bộ
thanh tra, người tiến hành thanh tra, người thực hiện giám sát, người thực hiện
thẩm định phải bảo đảm tuân thủ pháp luật, công tâm, khách quan khi thi hành
nhiệm vụ, đó cũng chính là những cảnh báo cho cán bộ thanh tra còn hạn chế về
năng lực cần phải chủ động trong việc thực hiện thanh tra, cần phối hợp tốt
giữa các thành viên, tranh thủ ý kiến của thành viên, sự chỉ đạo của Trưởng
đoàn thanh tra, báo cáo kịp thời các tình huống phát sinh với Trưởng đoàn thanh
tra và người ra quyết định thanh tra, cán bộ thanh tra phải không ngừng nâng
cao năng lực chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp
thật tốt.
Như vậy, việc chuẩn hóa trình tự, thủ tục và mẫu
các văn bản sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các cuộc thanh
tra, kết luận thanh tra sẽ khắc phục được việc ban hành chậm và quá trình thanh
tra người tiến hành thanh tra, người thực hiện giám sát, người thực hiện thẩm
định phải thực hiện nghiêm các quy định, từ đó đưa hoạt động thanh tra theo
hướng chuyên nghiệp và hiệu quả.
ThS. Lê Ngọc Thiều
Trưởng khoa Nghiệp vụ Thanh tra
Trường Cán bộ Thanh tra
Nguồn: thanhtravietnam.vn (13/3/2025)