Nâng cao cơ chế kiểm soát quyền thanh tra: Hướng đi bền vững cho sự minh bạch và hiệu quả quản lý
Kiểm
soát quyền thanh tra là một yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng và hoàn thiện
nhà nước pháp quyền, nhằm bảo đảm sự minh bạch, công bằng trong quản lý nhà
nước. Cơ chế này không chỉ cần được hoàn thiện từ bên trong hệ thống hành chính
mà còn cần sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan bên ngoài, Đảng, các tổ chức xã
hội và chính người dân.
Việc kiểm soát quyền
thanh tra đóng vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước, không chỉ để đảm bảo
tính minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan quản lý mà còn để ngăn ngừa các
hành vi sai phạm, tham nhũng. Theo TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến
lược và Khoa học thanh tra: "Cơ chế kiểm soát quyền thanh tra là sự đề cập
đến mối quan hệ mang tính kiểm soát giữa chủ thể kiểm soát và đối tượng kiểm
soát theo tinh thần nhà nước pháp quyền và dựa trên quy định của Hiến pháp,
pháp luật." Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc thiết lập cơ chế
kiểm soát hiệu quả nhằm bảo đảm hoạt động thanh tra được thực hiện đúng đắn,
minh bạch.
Kiểm soát từ bên
ngoài hệ thống thanh tra
Theo TS. Nguyễn Quốc
Văn, cơ chế kiểm soát từ bên ngoài đối với hoạt động thanh tra được tiến hành
bởi 04 nhóm chủ thể: (i) Các chủ thể nhà nước; (ii) các cấp ủy Đảng và cơ quan
kiểm tra, nội chính của Đảng; (iii) MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của
Mặt trận; (iv) người dân và các chủ thể xã hội khác. Những chủ thể này đóng vai
trò giám sát, tạo nên sự phối hợp đa chiều trong việc kiểm soát hoạt động thanh
tra.
Trong đó, kiểm soát của
các chủ thể nhà nước như Quốc hội, Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp, Kiểm toán
Nhà nước (KTNN), cơ quan tư pháp và các cơ quan hành chính nhà nước được coi là
cơ chế kiểm soát mang tính quyền lực nhà nước, góp phần tạo nên giá trị pháp lý
cho các kết luận thanh tra.
Theo TS. Nguyễn Quốc
Văn, kiểm soát từ bên ngoài đối với hoạt động thanh tra được tiến hành bởi Quốc
hội, HĐND các cấp; cơ quan tư pháp; KTNN; cơ quan và người đứng đầu cơ quan
QLNN các cấp; cơ quan và người đứng đầu cơ quan thanh tra nhà nước; thủ trưởng
cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành; người ra quyết định thanh
tra; tổ giám sát hoặc công chức được giao giám sát hoạt động thanh tra; trưởng
đoàn thanh tra; các đơn vị và công chức có trách nhiệm thẩm định dự thảo kết
luận thanh tra. Các kết luận thanh tra, kiểm toán đều có giá trị pháp lý với
mức độ khác nhau, tạo ra sức ép để bảo đảm sự tuân thủ pháp luật.
Vai trò của Đảng Cộng
sản Việt Nam trong kiểm soát thanh tra
Kiểm soát của Đảng Cộng
sản Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và điều chỉnh
hoạt động của cán bộ, đảng viên tham gia công tác thanh tra. Hoạt động này
không chỉ giúp phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, mà còn góp phần nâng cao
sức chiến đấu của Đảng, đảm bảo việc tuân thủ nghiêm túc Điều lệ Đảng, Nghị
quyết và các chỉ thị của Trung ương. TS. Nguyễn Quốc Văn cho rằng: "Kiểm
soát của Đảng với ý nghĩa phòng ngừa, phát hiện và xử lý kỷ luật Đảng đối với
các hành vi tham nhũng, tiêu cực của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên."
Như vậy, cơ chế kiểm
soát của Đảng đóng vai trò bảo đảm tính trong sạch, liêm chính của các cơ quan
thanh tra, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra và xây dựng
Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Kiểm soát từ phía Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và xã hội
Ngoài ra, sự tham gia
của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận cũng là yếu tố không
thể thiếu. TS. Nguyễn Quốc Văn nhấn mạnh, "hoạt động kiểm soát của MTTQ
Việt Nam thông qua các thiết chế dân chủ ở cơ sở như Ban thanh tra nhân dân,
Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và người dân." Hoạt động giám sát này
tuy không mang tính quyền lực nhà nước nhưng lại tạo điều kiện để người dân và
các tổ chức xã hội tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát công tác thanh
tra.
Sự giám sát của người
dân, doanh nghiệp, báo chí cũng được luật hóa qua các quy định về quyền khiếu
nại, tố cáo, phản ánh và giám sát, góp phần tăng cường trách nhiệm giải trình
của các cơ quan thanh tra và phòng ngừa tham nhũng. Điều này thể hiện vai trò
quan trọng của xã hội trong việc bảo đảm tính liêm chính và trách nhiệm của hệ
thống thanh tra.
Kiểm soát từ bên
trong hệ thống hành chính nhà nước
Bên cạnh việc kiểm soát
từ bên ngoài, cơ chế kiểm soát nội bộ trong hệ thống thanh tra nhà nước cũng
đóng vai trò quan trọng. Đây là hình thức kiểm soát tự thân, được thực hiện
thông qua các hoạt động kiểm soát của cấp trên đối với cấp dưới trong quá trình
chuẩn bị và thực hiện thanh tra.
TS. Nguyễn Quốc Văn cho
rằng, trong giai đoạn chuẩn bị thanh tra, việc kiểm soát nhằm bảo đảm rằng kế
hoạch thanh tra được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý khách quan, minh bạch và
khả thi. Điều này bao gồm cả việc lựa chọn nhân sự, xác định thời gian, lộ
trình, phương pháp thu thập thông tin và các biện pháp nghiệp vụ khác, đảm bảo
rằng quá trình thanh tra được thực hiện một cách chính xác và hiệu quả.
Khó khăn và giải pháp
Tuy nhiên, quá trình
kiểm soát quyền thanh tra không tránh khỏi những khó khăn. Một số phương thức
kiểm soát chưa được quy định rõ ràng, đặc biệt là phản ánh qua đường dây nóng
và mạng xã hội. Hơn nữa, theo TS. Nguyễn Quốc Văn, "tính hiệu quả của cơ
chế kiểm soát quyền thanh tra phụ thuộc đồng thời vào địa vị chính trị - pháp
lý, năng lực pháp luật và năng lực hành vi của các chủ thể kiểm soát."
Điều này đòi hỏi sự nâng cao năng lực của các cơ quan và cá nhân tham gia công
tác kiểm soát, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và xã
hội.
Để cơ chế kiểm soát
quyền thanh tra thực sự hiệu quả, cần có sự hoàn thiện về pháp luật, cơ chế và
các phương pháp kiểm soát. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của người dân và
các tổ chức xã hội vào quá trình giám sát là yếu tố quyết định để xây dựng một
hệ thống thanh tra minh bạch, liêm chính và hiệu quả.
Dương Nguyễn
Nguồn: thanhtravietnam.vn (18/9/2024)