Quan tâm chế độ, chính sách đối với cán bộ tiếp công dân để nâng cao chất lượng đầu vào
Giữ vai trò thay mặt cơ quan nhà nước lắng nghe tiếng nói của người dân, đội ngũ cán bộ tiếp công dân trong cả nước nhiều năm qua đã góp phần đảm bảo các khiếu nại, tố cáo được giải quyết đúng trình tự, thủ tục, khách quan, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân. Tuy nhiên, hiện nay, chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ này vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng chuyển biến tích cực
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã có nhiều chủ trương, giải pháp và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sát sao trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của những người trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp công dân, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết các vụ việc tại cơ sở được nâng lên.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2021, có 309.598 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 21,9% so với năm 2020), với tổng số người được tiếp là 327.983 người về 238.510 vụ việc (giảm 21,9%), có 2.451 đoàn đông người (giảm 29,8%). Các cơ quan hành chính tiếp nhận 333.847 đơn các loại (tăng 15,9% so với năm 2020); trong đó, có 23.907 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước (giảm 11,7%). Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 19.213/23.907 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 80,4% (giảm 7,1% so với năm 2020). Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 168,4 tỷ đồng, 159,8 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 230,2 tỷ đồng, 13,7 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 56 tổ chức, 1.481 cá nhân; kiến nghị xử lý hành chính 554 người (trong đó có 479 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 26 vụ, 51 đối tượng (trong đó có 17 cán bộ, công chức).
Về cơ bản, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp, các ngành được đánh giá là thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo khách quan, chính xác, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước đã kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý một số sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng... bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, góp phần ổn định tình hình và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Công dân được tiếp, hướng dẫn, giải thích, xử lý đơn thư theo đúng quy định pháp luật nên đã tin tưởng hơn vào các cấp chính quyền, giảm khiếu kiện vượt cấp lên các cơ quan Trung ương.
Những kết quả nói trên đã phần nào phản ánh được sự quan tâm đúng mức của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư.
Cần quan tâm đến chính sách đối với cán bộ tiếp công dân
Hiện nay, chế độ, chính sách đối với cán bộ tiếp công dân được quy định tại Điều 19, Chương V, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP. Theo đó, người tiếp công dân được hưởng chế độ bồi dưỡng, được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ tiếp công dân, được hưởng chế độ trang phục tiếp công dân.
Về chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ tiếp công dân, Thông tư số 320/2016/TT-BTC quy định chế độ bồi dưỡng được tính theo ngày làm việc theo quy định đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP. Chế độ bồi dưỡng được tính theo ngày làm việc thực tế đối với các đối tượng khác quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP.
Trường hợp các đối tượng này khi tham gia tiếp công dân xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân từ 50% thời gian tiêu chuẩn của ngày làm việc trở lên thì được hưởng toàn bộ mức chi bồi dưỡng, nếu dưới 50% thời gian tiêu chuẩn của ngày làm việc thì được hưởng 50% mức chi bồi dưỡng quy định tại Thông tư này.
Về mức chi, các đối tượng được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP mà chưa được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề, khi làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân được bồi dưỡng 100.000 đồng/1ngày/1 người; trường hợp đang được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì được bồi dưỡng 80.000 đồng/1ngày/1 người.
Đối với cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao hoặc phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương được bồi dưỡng 150.000 đồng/1ngày/1người; trường hợp đang hưởng chế độ phụ cấp theo nghề được bồi dưỡng 120.000 đồng/1ngày/1người. Các đối tượng quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP được bồi dưỡng 50.000 đồng/1ngày/1người.
Thời gian qua, các cấp, các ngành đã quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ tiếp công dân, Điều này đã có tác động tích cực, tạo sự phấn khởi cho những người làm công tác tiếp công dân. Tuy nhiên, trong thực tế, ở một số địa phương, nhất là cấp huyện, do chỉ tiêu biên chế công chức bị hạn chế nên công chức làm công tác tiếp công dân nhưng lại kiêm nhiều công việc văn phòng khác, không có công chức tiếp công dân chuyên trách. Một số địa phương cấp huyện còn phân công viên chức làm công tác tiếp công dân, cá biệt có địa phương bố trí hợp đồng 68 thường trực tiếp công dân, nên một số cán bộ mặc dù được phân công làm công tác tiếp công dân nhưng không đủ điều kiện để được hưởng đầy đủ chế độ bồi dưỡng, cũng như chế độ trang phục tiếp công dân. Đây là một thiệt thòi đối với cán bộ tiếp công dân, đặc biệt là cán bộ tiếp công dân cấp huyện.
Bên cạnh đó, trong quy định về chế độ chính sách đối với cán bộ tiếp công dân cũng chưa có sự thống nhất. Ở cấp Trung ương, cán bộ tiếp công dân được hưởng mức bồi dưỡng là 150.000 đồng/ngày; ngoài ra còn được hưởng chế độ của thanh tra viên như phụ cấp ngành Thanh tra (25% lương), phụ cấp thâm niên công tác. Trong khi đó, cán bộ tiếp công dân ở địa phương không được hưởng những chế độ này, đây cũng là điều thiệt thòi đối với cán bộ tiếp công dân địa phương.
Dễ nhận thấy, hiện nay, nhiệm vụ tiếp công dân, tham mưu xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ngày càng trở nên quan trọng, cấp thiết tại mỗi cơ quan, đơn vị hành chính. Việc giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với đội ngũ này có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ. Trong thực tế, việc thu hút cán bộ, công chức có đầy đủ trình độ, yêu cầu phẩm chất như qui định tại điều 34 Luật Tiếp công dân năm 2013 để thực hiện nhiệm vụ này còn gặp khó khăn. Bởi, ngoài lý do đặc thù nghề nghiệp của cán bộ tiếp công dân phức tạp, vất vả, có nhiều rủi ro trong trường hợp tiếp xúc với các trường hợp bức xúc, chây ỳ hoặc các đối tượng có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bất mãn khi không đạt được nguyện vọng trong khiếu nại, tố cáo, thì các chính sách động viên, khuyến khích về vật chất cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân vẫn còn hạn chế, chính sách về luân chuyển, đào tạo, phát triển còn chưa rõ, chưa có như hiện nay cũng là một trở ngại rất lớn. Do vậy, Thanh tra Chính phủ cần xem xét, báo cáo đề xuất Chính phủ vấn đề nếu trên, để thúc đẩy, nâng cao hơn nữa chất lượng đầu vào, quan tâm, động viên cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo./.
Bảo Anh
Nguồn: thanhtravietnam.vn (08/3/2022)