Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Để có được kết quả tích cực, thực chất trong công tác tiếp công
dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) cần có sự vào cuộc của các cấp
chính quyền thông qua việc nghiêm túc quán triệt các nghị quyết của Bộ Chính
trị, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tổ chức thực hiện bài
bản, nghiêm túc, hiệu quả…
Chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng đối với công tác TCD, giải
quyết KNTC
10 năm trước, khi tình hình KNTC nói chung và KNTC liên quan đến
tham nhũng, hoạt động tư pháp, tôn giáo đang còn diễn biến phức tạp. Số vụ việc
KNTC đông người, kéo dài, vượt cấp có xu hướng gia tăng, cá biệt có trường hợp
cực đoan, quyết liệt chống lại người thi hành công vụ. Nhiều vụ việc KNTC về
đất đai, tranh chấp tài sản chưa được giải quyết dứt điểm, để kéo dài, gây bức
xúc, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự. Một số vụ việc
đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật, nhưng
không được chấp hành nghiêm túc.
|
Một buổi tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo
Thanh tra Chính phủ. Ảnh PV
|
Khi đó, nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra chính là do chính sách
pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Công tác tuyên truyền, phổ
biến để nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện pháp luật cho cán bộ, đảng
viên, công chức và công dân còn hạn chế. Công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện
của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa sâu sát, thiếu quyết liệt;
người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đúng mức đối với công tác
TCD và giải quyết KNTC…
Ngay sau đó, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35/CT-TW
26/05/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD, giải quyết
KNTC; đến ngày 18/02/2019 Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định số 11-QĐi/TW
quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại
trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; cùng với các quy
định của pháp luật và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ đã từng bước đưa công tác TCD, giải quyết KNTC đi vào nền nếp, tinh
thần, trách nhiệm của người đứng đầu được nâng cao, hiệu quả trong công tác này
đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét, đáng khích lệ.
Công tác TCD và xử lý phản ánh, kiến nghị, giải quyết KNTC của
công dân tiếp tục được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị quan tâm, tăng cường
lãnh đạo, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tích cực; người đứng đầu đã tích cực
tiếp dân định kỳ, chủ động tiếp đột xuất, đối thoại, không còn “né dân”, “sợ
dân”. Chất lượng giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền được nâng cao; một số
vụ việc đông người đã được giải quyết dứt điểm; hạn chế khiếu kiện vượt cấp,
nhiều vụ việc được giải quyết ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở. Công tác
phối hợp trong giải quyết đơn thư KNTC giữa các cấp, các ngành có nhiều chuyển
biến; trách nhiệm trong TCD và giải quyết đơn thư của người đứng đầu cấp ủy,
chính quyền được nâng lên.
Điều này được thể hiện rõ tại kết quả giám sát việc thực hiện
pháp luật về TCD và giải quyết KNTC giai đoạn từ 01/7/2016 đến 01/7/2021 của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, theo đó các cấp, các ngành đã triển khai đồng
bộ, hiệu quả, chất lượng, do đó công tác TCD đã có chuyển biến rõ rệt. Hệ thống
TCD từ trung ương đến địa phương được kiện toàn đồng bộ, vận hành hiệu quả, đáp
ứng được yêu cầu, là cầu nối giữa người dân với Đảng và Nhà nước, góp phần ổn
định tình hình chung và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Việc thực hiện trách nhiệm TCD định kỳ, đột xuất của người đứng
đầu cơ quan hành chính các cấp đã có những chuyển biến tích cực, đã quan tâm
thực hiện nhiệm vụ TCD hơn so với trước đây. Tại các buổi TCD định kỳ của người
đứng đầu thường gắn liền với việc giải quyết KNTC, nhất là những vụ việc đông
người, phức tạp có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Qua đó, nhiều vụ việc
đã được chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để phát sinh “điểm nóng”.
Kết quả giám sát cũng cho thấy, việc tiếp nhận, thụ lý giải
quyết khiếu nại của công dân về cơ bản được thực hiện theo đúng trình tự, thủ
tục và thẩm quyền quy định của pháp luật về khiếu nại từ giai đoạn tiếp nhận,
thụ lý, tiến hành xác minh, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, một số bộ
ngành, địa phương đã ban hành và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong việc
tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền.
Kịp thời kiểm tra, rà soát, giải quyết thấu tình đạt lý, bảo đảm
quyền và lợi ích hợp pháp của công dân
Nhiều vụ việc gây bức xúc trong Nhân dân, dư luận quan tâm đã
được xử lý, giải quyết kịp thời, nghiêm minh, khách quan đúng quy định của pháp
luật thấu tình, đạt lý bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bên cạnh
đó, việc đôn đốc, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp
luật được quan tâm và có những chuyển biến tích cực.
Tại tỉnh Hà Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh dành nhiều sự quan tâm
như tăng cường chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiều giải pháp đối với công
tác TCD, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân. Công tác quản lý
nhà nước trong lĩnh vực TCD, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC không ngừng được
củng cố, tăng cường.
Cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh duy trì lịch TCD định kỳ
theo quy định, chất lượng giải quyết các vụ việc KNTC được nâng cao, tăng cường
tiếp và đối thoại với công dân; nghiêm túc thực hiện các quyết định giải quyết
khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo có hiệu lực pháp luật. Việc giải quyết KNTC ở
các đơn vị được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo khách quan, chính
xác, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân.
Còn tại thành phố Đà Nẵng, khi người đứng đầu nhận thức được ý
nghĩa và tầm quan trọng của công tác TCD và giải quyết KNTC của tổ chức, công
dân trong giai đoạn hiện nay, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các
cấp, các ngành, quận, huyện chấp hành, thực hiện nghiêm pháp luật về TCD, giải
quyết KNTC; đặc biệt quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn tổ chức TCD và giải
quyết tốt các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền; chấn chỉnh kịp thời các hạn chế,
thiếu sót, đề ra các giải pháp đồng bộ, giải quyết các vụ việc ngay từ khi mới
phát sinh, không để xảy ra điểm nóng hoặc tồn đọng vụ việc phức tạp, góp phần
vào việc ổn định tình hình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Với tỉnh Bình Dương, công tác TCD, tiếp nhận, xử lý và giải
quyết KNTC được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền theo quy định
pháp luật. Công tác hòa giải ở cơ sở, công tác đối thoại trước khi ban hành
quyết định giải quyết được chú trọng, nhiều vụ việc công dân tự nguyện rút đơn
sau khi được hòa giải, vận động, thuyết phục; có sự linh hoạt trong đối thoại, kết
hợp vận động các chính sách hỗ trợ nhằm giúp các hộ khiếu kiện là hộ nghèo, hộ
chính sách ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu kiện.
Tăng cường thanh tra trách nhiệm người đứng đầu
Tuy vậy, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh yếu tố lịch sử
để lại, quy định của pháp luật vẫn còn chưa đồng bộ, thống nhất, vẫn còn tình
trạng chậm giải quyết, né tránh, tinh thần giải quyết công việc chưa cao, chưa
trách nhiệm ... dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Báo cáo của Ban TCDTW cho
thấy, thời gian gần đây, tình hình khiếu kiện của công dân phát sinh nhiều yếu
tố phức tạp, nhiều nhóm công dân khiếu kiện của các địa phương, đặc biệt là các
tỉnh, thành phố phía Nam, Tây Nguyên và các nhóm công dân khiếu kiện lưu trú
dài ngày tại Thủ đô Hà Nội thường xuyên tập trung tại khu vực trung tâm hành
chính Ba Đình, khu vực Trụ sở TCDTW, một số cơ quan Trung ương và nhà riêng các
đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước… la hét, căng băng rôn, khẩu hiệu.
Rõ ràng, để giải quyết, đây không phải là vấn đề một sớm một
chiều, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền KNTC thì
cần rà soát, bổ sung hoàn chỉnh các quy định của pháp luật, cải cách thủ tục
hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, xây dựng nền
hành chính công vụ liêm chính, năng động, thực tài, hiệu quả, đi cùng với tuyên
truyền, vận động, tiếp xúc để nâng cao nhận thức cho người dân hiểu và chấp
hành.
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, cần quán triệt, triển khai thực
hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật TCD, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản
hướng dẫn thi hành Luật, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chỉ
đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ về công tác TCD,
giải quyết KNTC. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, Thủ
trưởng cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong công tác TCD, xử lý đơn thư và
giải quyết KNTC.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, thanh tra trách nhiệm việc thực
hiện pháp luật về TCD, giải quyết KNTC của các cơ quan, tổ chức và Thủ trưởng
các cơ quan quản lý nhà nước. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động
của cơ quan, đơn vị, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh KNTC.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung
giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng
đến an ninh trật tự theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các vụ việc theo Kế
hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ; xử lý kịp thời, nghiêm minh những
trường hợp vi phạm trong quá trình TCD, giải quyết KNTC./.
TS. Đoàn Thanh Kỳ
Ban
Tiếp công dân Trung ương
Nguồn:
thanhtravietnam.vn (12/6/2024)