Nhận diện vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Vi phạm hành chính trong các lĩnh vực tiếp công
dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được hiểu là hành vi có lỗi do cá nhân, cơ
quan, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải
quyết khiếu nại, tố cáo mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật
phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Qua thực tiễn làm công tác tiếp công dân, kết
quả nắm bắt tình hình tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư và giải quyết khiếu nại,
tố cáo (KNTC) tại một số địa phương, có thể nhận diện các hành vi có dấu hiệu
vi phạm trong các lĩnh vực này.
Hành vi vi phạm hành chính trong tiếp công dân
Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp
công dân được thực hiện bởi các chủ thể thuộc ba nhóm: người thực hiện quyền
KNTC, kiến nghị, phản ánh (KNPA), đề nghị và người có liên quan đến vụ việc
(gọi chung là người KNTC); cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân và
cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân.
Đối với nhóm các hành vi vi pháp luật của
người KNTC, gồm: Có lời nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cán bộ tiếp
công dân, người tiếp công dân; xuyên tạc, vu khống, lăng mạ người bị KNTC; gây
mất trật tự tại nơi tiếp công dân. Tụ tập đông người gây mất trật tự công cộng,
khu vực cấm tụ tập đông người; gây rối, cản trở hoạt động bình thường của các
cơ quan, tổ chức.
Cùng với đó, lợi dụng quyền KNTC để dụ dỗ, lôi
kéo, kích động, đe dọa người khác tham gia vào việc KNTC, tập trung đông người.
Lợi dụng quyền tố cáo đe dọa người khác để trục lợi.
Ngoài các hành vi nêu trên, công dân còn có
các hành vi vi phạm khác tại trụ sở tiếp công dân như: mang theo dụng cụ sát
thương trong người vào phòng tiếp; uống rượu, bia; không tuân theo hướng dẫn
của cán bộ tiếp công dân, cán bộ an ninh; kích động và quay video đưa lên mạng
xã hội…
Về nhóm hành vi vi phạm
pháp luật của cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân, có thể nhận
diện như sau: Không có trụ sở, địa điểm, phòng tiếp công dân riêng hoặc có
nhưng không đảm bảo theo yêu cầu; không phân công cán bộ, công chức tiếp công
dân thường xuyên tại nơi tiếp công dân; hoặc có phân công nhưng không thường
trực tiếp công dân; không ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân; không ban
hành lịch tiếp công dân; không thông tin về việc tiếp công dân của cơ quan, tổ
chức, đơn vị, cá nhân; không trực tiếp tham gia tiếp công dân, hoặc có tham gia
nhưng không đầy đủ.
Bên cạnh đó, nhóm chủ thể có thẩm quyền, trách
nhiệm tiếp công dân còn có thể có các hành vi vi phạm khác như: tiếp công dân
hình thức; thiếu sát sao trong công tác chỉ đạo, trong việc thanh tra, kiểm tra,
đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có trách nhiệm thuộc quyền quản lý của
mình thực hiện các quy định của pháp luật trong việc tiếp công dân, để xảy ra
nhiều sai phạm.
Nhóm các hành vi vi pháp luật của cán bộ, công
chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân có thể kể đến là không mặc trang phục,
không đeo thẻ công chức, viên chức theo quy định; có thái độ không đúng mực khi
tiếp công dân; thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân. Gây phiền hà, sách
nhiễu hoặc cản trở người KNTC, KNPA; phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân
và không vào sổ, ghi chép.
Vi phạm hành chính trong việc gửi; tiếp nhận,
xử lý đơn thư, theo dõi đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo
Chủ thể của hành vi vi phạm hành chính trong
việc gửi; tiếp nhận, xử lý đơn thư, theo dõi đôn đốc việc giải quyết KNTC gồm
hai nhóm: nhóm các chủ thể thực hiện quyền KNTC; nhóm chủ thể có thẩm quyền,
trách nhiệm tiếp nhận, xử lý đơn thư; theo dõi đôn đốc việc giải quyết KNTC.
Hành vi vi phạm của nhóm chủ thể thực hiện
quyền KNTC bao gồm: Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ
dỗ, mua chuộc người khác KNTC sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố
cáo. Lợi dụng quyền KNTC để tuyên truyền chống nhà nước, xâm phạm lợi ích của
nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm
danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Công dân còn có hành vi “khiếu nại, tố cáo
không đúng”, “gửi đơn đeo bám kéo dài” mặc dù vụ việc đã được cấp có thẩm
quyền xem xét, giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chưa
có đủ cơ sở để xác định và khẳng định hai hành vi này là hành vi vi phạm pháp
luật.
Trong nhóm chủ thể có thẩm quyền, trách nhiệm
tiếp nhận, xử lý đơn thư; theo dõi đôn đốc việc giải quyết KNTC, thì có hành vi
không tiếp nhận, từ chối tiếp nhận hoặc tiếp nhận nhưng không làm thủ tục tiếp
nhận theo quy định; phân loại đơn thư không đúng; hành vi chậm trễ trong việc
thụ lý đơn.
Nhóm chủ thế này còn có các hành vi không đề
xuất thụ lý, không thụ lý KNTC; ra văn bản không thụ lý giải quyết tố cáo tiếp
không đúng; không vào sổ theo dõi đơn thư; lộ, tiết lộ danh tính người tố cáo;
thiếu sát sao trong việc theo dõi, đôn đốc kết quả giải quyết đơn thư.
Vi phạm hành chính trong hoạt động giải quyết
khiếu nại, tố cáo
Giải quyết KNTC hành chính bao gồm nhiều công
đoạn khác nhau, mỗi công đoạn giải quyết lại do một cơ quan, cá nhân tham mưu.
Sau khi thụ lý, người giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ giao cho một cá nhân, thủ
trưởng cơ quan (thanh tra hoặc cơ quan chuyên môn) để thực hiện việc xác minh,
kết luận nội dung KNTC và đề xuất người giải quyết biện pháp giải quyết khiếu
nại, biện pháp xử lý tố cáo.
Chủ thể vi phạm hành chính trong hoạt động này
gồm ba nhóm: Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, trách
nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo; Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan đơn vị,
cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thẩm tra, xác minh, tham mưu, đề xuất việc
giải quyết; Cá nhân được giao nhiệm vụ tham mưu trong việc thụ lý, ban hành
quyết định giải quyết.
Các hành vi vi phạm pháp luật trong giai đoạn
này xảy ra chủ yếu về trình tự, thủ tục, thể thức và thẩm quyền giải quyết
khiếu nại, tố cáo; các hành vi vi phạm về nội dung giải quyết và thời hạn giải
quyết.
Hành vi vi phạm trong việc thực hiện quyết định
giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo; lưu trữ hồ sơ giải quyết KNTC; và các
hành vi vi phạm pháp luật khác
Thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết
luận nội dung tố cáo là một công đoạn trong quá trình giải quyết KNTC. Thực
tiễn cho thấy, nhiều quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo
sau khi được ban hành không được chủ động thực hiện bởi các chủ thể có nghĩa
vụ, trách nhiệm. Công dân phải khiếu kiện, gửi đơn nhiều lần, bức xúc, kéo dài.
Có thể nhận diện những hành vi vi phạm trong
việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo như
sau:
Một là, không chủ động, thiếu trách nhiệm
trong việc chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện quyết định, kết luận giải
quyết đơn. Trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước,
người ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo.
Sau khi quyết định khiếu nại có hiệu lực, kết
luận tố cáo được ban hành, trong nhiều vụ việc, người có thẩm quyền, trách
nhiệm không chủ động, thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị
trực thuộc lập kế hoạch hoặc có biện pháp thực thi theo kiến nghị của người ra
quyết định, kết luận.
Hai là, thiếu trách nhiệm trong việc theo dõi,
đôn đốc, kiểm tra thực hiện hiện kết luận, quyết định giải quyết KNTC; tham mưu
cho người đứng đầu cơ quan đơn vị có trách nhiệm thực hiện quyết định, kết luận
các biện pháp thực hiện. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan thanh tra các cấp, cơ
quan tham mưu, đề xuất người ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận
nội dung tố cáo.
Ba là, cố tình chây ì không thực hiện kết
luận, quyết định giải quyết KNTC hoặc thực hiện nhưng không đầy đủ, không đúng
với quy định. Đây là hành vi của người phải thực hiện theo quyết định giải
quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo. Vì những lý do chủ quan, khách quan,
những người này cố tình không thực hiện mặc dù đã bị đôn đốc nhiều lần.
Bốn là, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện
chế độ thông tin, báo cáo việc thực hiện quyết định, kết luận sau giải quyết
KNTC. Trách nhiệm này thuộc về những người được giao nhiệm vụ theo dõi, báo cáo
kết quả thực hiện. Thông thường hành vi này là của cán bộ thuộc cơ quan thanh
tra các cấp.
Đối với nhóm hành vi vi phạm trong việc thực
hiện lập lưu giữ và quản lý hồ sơ giải quyết KNTC, theo quy định của pháp luật
việc giải quyết KNTC phải được lập thành hồ sơ; hồ sơ phải được đánh số trang
theo thứ tự tài liệu và được lưu giữ theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn có nơi, có chỗ
không lưu trữ hồ sơ theo quy định (mở, đóng hồ sơ); hồ sơ giải quyết khiếu nại
không được sắp xếp theo thứ thự, không đánh số trang; hồ sơ lưu trữ không đầy
đủ; mất mát, thất lạc tài liệu trong hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra trong quá trình giải quyết KNTC còn
có các hành vi vi phạm như tiết lộ nội dung, danh tính người tố cáo; theo dõi,
tìm hiểu thông tin về người, nội dung tố cáo; cản trở, gây khó khăn, phiền hà
cho người KNTC; bao che cho người bị KNTC.
Thậm chí đe dọa, mua chuộc, trả thù, trù dập,
xúc phạm danh dự, nhân phẩm người KNTC; đưa tin sai sự thật về việc giải quyết
KNTC; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố
cáo; can thiệp trái pháp luật, cản trở việc giải quyết KNTC.
Mai
Văn Duẩn - Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Bắc Ninh
Nguồn:
thanhtravietnam.vn (20/4/2024)