Theo quy định tại điều 30 của Luật Thanh tra năm 2022 thì Thanh
tra huyện là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (UBND), giúp
UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, Thanh tra huyện thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm
vi quản lý nhà nước của UBND cấp huyện; nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp
luật.
Thanh tra huyện chịu sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch
UBND cấp huyện và chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp
vụ của Thanh tra tỉnh.
Điều 31 của Luật Thanh tra năm 2022 quy định trong lĩnh vực
thanh tra, Thanh tra huyện giúp UBND huyện thực hiện quản lý nhà nước về
công tác thanh tra và có nhiệm vụ, quyền hạn: (1) Xây dựng dự thảo kế hoạch
thanh tra của Thanh tra huyện, báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét,
quyết định trước khi gửi Thanh tra tỉnh tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của
tỉnh; (2) tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Thanh tra huyện trong kế hoạch thanh
tra của tỉnh; (3) thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ,
quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và của UBND cấp
xã; (4) thanh tra vụ việc khác khi được Chủ tịch UBND cấp huyện giao; (5)
theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra
huyện và quyết định xử lý về thanh tra của Chủ tịch UBND cấp huyện; (6)
tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.
Việc xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của thanh tra huyện do
Chánh Thanh tra huyện dự thảo và Chủ tịch UBND tỉnh quyết định ban hành. Trình
tự, thủ tục xây dựng kế hoạch thanh tra được quy định tại Thông tư số
04/2024/TT-TTCP ngày 8/4/2024 của Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng,
phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra và ban hành kế hoạch thanh tra (gọi
tắt là Thông tư số 04/2024/TT-TTCP).
Tại khoản 2 điều 13 của Thông tư số 04/2024/TT-TTCP có quy định
căn cứ xây dựng kế hoạch thanh tra gồm: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện; định hướng chương trình thanh
tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh
tra của Tổng Thanh tra Chính phủ; yêu cầu công tác thanh tra, tiếp công dân,
giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Chủ tịch
UBND tỉnh; yêu cầu công tác quản lý nhà nước và việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế
- xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của địa phương; vụ việc có dấu hiệu vi
phạm pháp luật được đăng tải trên báo chí hoặc dư luận xã hội quan tâm; căn cứ
khác theo quy định của pháp luật.
Chính vì vậy, việc xây dựng kế hoạch thanh tra của Thanh tra
huyện phải căn cứ vào một trong các căn cứ quy định chức năng, nhiệm vụ của
thanh tra huyện được quy định tại điều 31 của Luật Thanh tra năm 2022.
Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 31 của Luật Thanh tra năm
2022 thì Thanh tra huyện có nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra việc thực hiện chính
sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp
huyện và của UBND cấp xã.
Tuy nhiên, theo Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của
Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị
xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định
108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định 37/2014/NĐ-CP thì các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện thực
hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh
vực ở địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của UBND cấp
huyện và theo quy định của pháp luật; góp phần bảo đảm sự thống nhất quản lý
của ngành hoặc lĩnh vực công tác ở địa phương. Theo đó các cơ quan chuyên môn
bao gồm: Nội vụ, tư pháp, tài chính - kế hoạch, phòng tài nguyên - môi trường,
lao động thương binh - xã hội, văn hóa - thông tin, giáo dục và đào tạo,
y tế, thanh tra huyện, văn phòng UBND và Hội đồng nhân dân (HĐND).
Thanh tra huyện sẽ có quyền thanh tra viêc thực hiện chính sách,
pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện
như: Phòng nội vụ; tư pháp; tài chính - kế hoạch; phòng tài nguyên - môi
trường; lao động, thương binh - xã hội; văn hóa - thông tin; giáo dục và đào
tạo; y tế; thanh tra huyện; văn phòng UBND và HĐND; UBND cấp xã.
Với hệ thống trường mầm non công lập, tiểu học công lập, trung
học cơ sở công lập, trung tâm thể dục, thể thao, đài phát thanh... không thuộc
các cơ quan chuyên môn theo quy định tại Nghị định 37/2014/NĐ-CP và Nghị định
108/2020/NĐ-CP thì Thanh tra huyện có thẩm quyền thanh tra hay không?
Theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 quy
định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thì các đơn
vị trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung tâm thể dục thể thao... là
đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện quản lý.
Vì vậy, trong phạm vi quản lý của mình, Chủ tịch UBND cấp huyện
sẽ phân cấp quản lý cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Trên cơ sở
đó, các cơ quan này sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên đối với các đơn vị sự
nghiệp. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật
thì Chủ tịch UBND cấp huyện yêu cầu Chánh Thanh tra huyện tiến hành thanh tra
đột xuất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đó.
Ts.Trần Thị Thúy, Phó Trưởng
khoa NV1
Ths.
Nguyễn Thị Hạnh, Giảng viên, Khoa NV1
Trường
Cán bộ Thanh tra
Nguồn:
thanhtravietnam.vn (23/7/2024)