image banner
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành

Sáng 29/3, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng chí Dương Quốc Huy - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo thanh tra các Bộ, ngành, Trưởng các phòng nghiệp vụ thanh tra, các Cục, Vụ trực thuộc.

Tại điểm cầu Nghệ An có lãnh đạo Thanh tra tỉnh, cán bộ, công chức của Thanh tra tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Anh-tin-bai

 

Anh-tin-bai

Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An

Tại hội nghị, đồng chí Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Văn Long tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra về quy định của Luật Thanh tra 2022, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Thanh tra, Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/1/2024 của Chính phủ về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; trong đó, tập trung vào những điểm mới về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra.

Theo đó, việc sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 là cần thiết nhằm thể chế quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Luật Thanh tra năm 2022 gồm 8 chương và 118 điều. Cụ thể, Chương I: Những quy định chung, gồm 8 điều; Chương II: Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, gồm 29 điều; Chương III: Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, gồm 06 điều; Chương IV: Hoạt động thanh tra, gồm 58 điều; Chương V: Thực hiện Kết luận thanh tra, gồm 05 điều; Chương VI: Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, gôm 05 điều; Chương VII: Điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra, gồm 02 điều; Chương VIII: Điều khoản thi hành, gồm 05 điều.

So với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 đã bổ sung chức năng quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, phòng chống tiêu cực. Đồng thời, đã có những quy định cụ thể chặt chẽ hơn, bảo đảm khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra. Luật Thanh tra 2022 đã quy định cụ thể, rành mạch về thẩm quyền, quy trình, thời hạn các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra; xác định rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành kết luận thanh tra. Vấn đề báo cáo trước khi ban hành kết luận thanh tra cũng được quy định cụ thể với thời hạn rõ ràng. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung quy định Thủ tướng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để đảm bảo việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn quy định.

Một trong những điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 là việc quy định một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luật thanh tra. Bởi cuộc thanh tra có nhiều nội dung, thì nội dung nào rõ và đủ cơ sở thì kết luận ngay để phục vụ công tác quản lý nhà nước và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác theo quyết định thanh tra. Đây là quy định mà thực tiễn đã chứng minh sự cần thiêt; đồng thời làm cho hoạt động thanh tra linh hoạt, gắn bó với hoạt động quản lý...

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, giải đáp, hướng dẫn một số nội dung khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật Thanh tra và các Nghị định quy định chi tiết.

So với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 đã tăng 30 điều, trong đó đã bổ sung 2 chương mới (Chương V: Thực hiện Kết luận thanh tra và chương VI: Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra), lược bỏ chương VI về Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra 2010; chế định về thanh tra nhân dân được quy định trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, cũng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, tháng 11/2022, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 - cùng ngày có hiệu lực của Luật Thanh tra 2022.

Luật Thanh tra năm 2022 cũng lược bỏ chế định về cộng tác viên thanh tra được quy định tại chương III Luật thanh tra 2010, tuy nhiên vẫn quy định về việc trưng tập thành viên Đoàn thanh tra.

Luật Thanh tra 2022 đã giao Chính phủ quy định chi tiết một số chương, điều, khoản. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành 2 Nghị định: Nghị định 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra 2022; Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Kim Oanh

Nguồn: nghean.gov.vn (29/3/2024)