image banner
Tự giác nộp lại tài sản tham nhũng: Khi chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng nhất quán

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, một trong những bài toán khó là làm sao để những người từng sai phạm dám chủ động “quay đầu”, nộp lại tài sản, khắc phục hậu quả. Câu trả lời cho vấn đề này đang dần rõ nét hơn khi chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng hướng tới một giải pháp mang tính nhân văn: Khuyến khích tự giác nộp lại tài sản để được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm.

Hai văn bản quan trọng là Quy định 287-QĐ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị và Nghị định 172/2025/NĐ-CP ngày 30/6/2025 của Chính phủ đã thể hiện sự đồng thuận rõ ràng về định hướng, mục tiêu và tinh thần xử lý sai phạm.

Tự nguyện nộp lại tài sản vi phạm được xem xét như một tình tiết giảm nhẹ

Thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy, trong nhiều vụ án tham nhũng, nhận hối lộ hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, việc người phạm tội tự nguyện nộp lại tài sản vi phạm đã được các cơ quan tiến hành tố tụng và tòa án xem xét như một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Những trường hợp này không hiếm trong các vụ án lớn thời gian qua, như: Vụ án Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch FLC), người thân của ông Quyết đã nộp thêm 1.400 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, giúp ông được đề nghị giảm án. Hay như cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã nộp lại 66 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, được giảm án tử hình xuống tù chung thân. Trong vụ án Nguyễn Đức Chung, việc ông nộp 25 tỷ đồng để khắc phục hậu quả đã giúp giảm án từ 8 năm xuống còn 5 năm tù.

Anh-tin-bai

Trong nhiều vụ án tham nhũng, nhận hối lộ hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, việc người phạm tội tự nguyện nộp lại tài sản vi phạm đã được các cơ quan tiến hành tố tụng và tòa án xem xét như một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ảnh: PV

Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51 và điểm c, khoản 3, Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015, việc chủ động khắc phục hậu quả, đặc biệt là nộp lại ít nhất 3/4 tài sản bị chiếm đoạt trong các tội tham ô, nhận hối lộ, kết hợp với thái độ thành khẩn, hợp tác, là cơ sở để tòa án cân nhắc giảm án. Đây là minh chứng cho chính sách khoan hồng, nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam.

Tuy nhiên, theo TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, thực tế cho thấy nhận thức và trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức Đảng về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế vẫn còn chưa đầy đủ. Cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành về thu hồi tài sản tham nhũng còn tồn tại những bất cập, cùng với đó là nhiều khó khăn, vướng mắc khác dẫn tới tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt chưa đạt được yêu cầu đề ra. Đây chính là lý do việc hoàn thiện chính sách và khuyến khích tự giác nộp lại tài sản đang trở thành một hướng đi cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đảng “mở đường” bằng sự nhân văn trong xử lý kỷ luật

Quy định 287-QĐ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về thu hồi tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng (Quy định 287) đã tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực. Theo quy định này, một trong những căn cứ để thu hồi tài sản có nguồn gốc bất minh là việc tổ chức Đảng, đảng viên và các tổ chức, cá nhân liên quan chủ động báo cáo và tự giác nộp lại tài sản đã nhận do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trước khi bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, kết luận.

Anh-tin-bai

Điểm đột phá của Quy định 287 là không chỉ dừng lại ở hành vi kê khai không trung thực, mà còn mở rộng phạm vi thu hồi đối với những tài sản được phát hiện qua kiểm tra, giám sát. Chỉ cần thông qua kiểm tra nội bộ, nếu phát hiện tài sản kê khai không đúng thực tế, cấp ủy đủ thẩm quyền đã có cơ sở để yêu cầu thu hồi ngay mà không cần đợi đến khi vụ việc bị khởi tố hay đưa ra xét xử.

Quan trọng hơn, việc tự giác nộp lại tài sản được xem là tình tiết giảm nhẹ trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật Đảng. Điều này cho thấy tư duy của Đảng đã có sự chuyển dịch rõ nét, từ trừng phạt đơn thuần sang khuyến khích sửa sai. Chủ trương này cũng gửi đi một thông điệp chính trị mạnh mẽ rằng không có vùng cấm trong kê khai tài sản, không có khái niệm “khai cho có lệ”, và nếu vi phạm, dù chưa ra tòa vẫn có thể bị xử lý. Tuy nhiên, nếu biết chủ động khắc phục hậu quả, nộp lại tài sản, thì sai phạm sẽ được xem xét giảm nhẹ ở mức độ phù hợp.

Chính phủ “tiếp sóng” bằng chính sách kỷ luật hành chính linh hoạt

Tư tưởng này tiếp tục được cụ thể hóa rõ ràng tại Nghị định 172/2025/NĐ-CP ngày 30/6/2025 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (Nghị định 172). Theo điểm c, khoản 3, Điều 4 của Nghị định, trường hợp người có vi phạm chủ động nộp lại tài sản tham nhũng, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì sẽ được xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật.

Anh-tin-bai

Công chức có vi phạm chủ động nộp lại tài sản tham nhũng, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì sẽ được xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật. Ảnh: ITN

So với các quy định trước đây, Nghị định 172 đánh dấu lần đầu tiên hành vi “tự giác nộp lại tài sản” trở thành căn cứ pháp lý rõ ràng để giảm nhẹ kỷ luật hành chính. Đây không chỉ là sự răn đe mang tính pháp lý, mà còn mở ra một “lối thoát danh dự” cho người đã từng sai phạm, giúp họ có cơ hội chủ động nhận sai và nỗ lực sửa sai.

Có thể thấy, với một bên là Quy định của Đảng, một bên là Nghị định của Chính phủ, đây là sự đồng thuận giữa hai hệ thống chính trị và hành chính trong xử lý tài sản vi phạm. Sự thống nhất này thể hiện ở ba điểm cốt lõi: Cùng nhấn mạnh yếu tố “tự giác”, cùng tạo điều kiện để sửa sai một cách hợp pháp, minh bạch và cùng góp phần thúc đẩy xây dựng nền công vụ liêm chính, kỷ cương.

Để quy định đi vào thực tiễn

Để chủ trương và chính sách này mang lại hiệu quả thực tiễn, theo nhiều chuyên gia, cần có những giải pháp đồng bộ từ thể chế đến tổ chức thực hiện. TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, cho rằng Quy định 287 đã rất rõ về trình tự, thủ tục và trách nhiệm của tổ chức Đảng, đảng viên trong thu hồi tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm phải cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu về tài sản, không chỉ của bản thân mà còn bao gồm cả những người có quan hệ gia đình và những người liên quan trực tiếp đến tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Theo TS Đinh Văn Minh, quy định này cho thấy Đảng không chỉ quyết liệt trong thu hồi tài sản tham nhũng mà còn đặt ra yêu cầu rất cụ thể, minh bạch về trách nhiệm phối hợp của tổ chức Đảng và đảng viên trong quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm. Việc yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản của những người có quan hệ gia đình và các bên liên quan trực tiếp là bước tiến quan trọng, nhằm bóc tách, làm rõ nguồn gốc tài sản, ngăn chặn việc tẩu tán, che giấu hoặc hợp thức hóa tài sản tham nhũng. Điều này cũng thể hiện quyết tâm "xóa điểm mù" trong khối tài sản (nhiều khi là rất lớn) của công chức như đã từng xảy ra: Không chỉ xử lý nghiêm hành vi thiếu trung thực của người kê khai mà quan trọng hơn là xử lý số tài sản bất minh đã được che giấu, trốn tránh.

Anh-tin-bai

Luật sư Ngô Thu Hằng. Ảnh: PV

Ở góc độ khác, luật sư Ngô Thu Hằng, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, cho rằng để khuyến khích người vi phạm tự giác nộp lại tài sản, cần tạo hiệu ứng truyền thông tích cực, lan tỏa tinh thần “biết sai, dám sửa”. Một trong những cách làm hiệu quả là công khai các trường hợp điển hình tự giác nộp tài sản và được giảm nhẹ. Điều này không chỉ củng cố niềm tin của xã hội vào nỗ lực phòng, chống tham nhũng mà còn tạo động lực để những người liên quan chủ động khắc phục hậu quả, từ đó giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước và xã hội.

Không phải mọi sai phạm đều có thể xử lý bằng trừng phạt tuyệt đối. Trong nhiều trường hợp, sự tự giác nộp lại tài sản không chỉ thể hiện trách nhiệm cá nhân mà còn là dấu hiệu tích cực cho thấy người cán bộ vẫn còn mong muốn sửa sai.

Chính vì vậy, khi cả Đảng - qua Quy định 287 và Chính phủ - qua Nghị định 172, cùng đồng thuận khuyến khích hành vi này, đó không chỉ là sự “bắt nhịp” giữa hai hệ thống mà còn là biểu hiện rõ ràng của một tư duy phòng, chống tham nhũng hiện đại: Nghiêm khắc nhưng nhân văn, xử lý sai phạm nhưng tạo điều kiện sửa chữa sai lầm.

Bảo Anh

Nguồn: thanhtra.com.vn (18/7/2025)