Cần sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tố cáo
Quá trình triển khai thực hiện Luật Tố cáo năm 2018 cho thấy, hệ thống pháp luật tố cáo hiện nay có một số nội dung chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa bao quát điều chỉnh hết các quan hệ xã hội nảy sinh trong thực tế, chưa thống nhất với một số quy định pháp luật có liên quan, gây ra những khó khăn, lúng túng trong việc giải quyết tố cáo của cơ quan nhà nước, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo. Thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tố cáo đảm bảo đầy đủ, đồng bộ để các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện được thuận lợi, hiệu quả.
Tố cáo là quyền của công dân đã được quy định tại khoản 1 Điều 30 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tố chức, cá nhân”.
Mục đích của tố cáo hướng đến việc xem xét trách nhiệm các chủ thể vi phạm pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của các cá nhân, cơ quan, tổ chức bất kỳ bị gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại. Như vậy, mục đích của tố cáo không chỉ xuất phát từ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân bị xâm phạm mà đó còn có thể xuất phát từ việc bảo vệ quyền và lợi ích của một cá nhân, tổ chức khác hay đó có thể là các lợi ích chung của xã hội. Ngoài ra, tố cáo còn hướng đến mục đích ngăn chặn, chấm dứt hành vi trái pháp luật, buộc những chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật phải chịu chế tài theo quy định của pháp luật tương ứng với tính chất, mức độ do hành vi của mình gây ra.
Luật Tố cáo năm 2018 đã kế thừa những nội dung còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của pháp luật về tố cáo trước đó và bổ sung những nội dung mới đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện thấy rằng hệ thống pháp luật tố cáo hiện nay có nhiều nội dung chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa bao quát điều chỉnh hết các quan hệ xã hội nảy sinh trong thực tế, chưa thống nhất với một số quy định pháp luật có liên quan, vì vậy gây ra những khó khăn, lúng túng trong việc giải quyết tố cáo của cơ quan nhà nước, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo. Có thể kể đến một số tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Tố cáo 2018 và Nghị định 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo như sau:
Thứ nhất, về chủ thể giải quyết tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo được quy định tại khoản 6, Điều 2 Luật Tố cáo 2018. Cụ thể hoá thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được quy định tại Chương III và Chương IV Luật Tố cáo 2018. Tại Điều 12, Mục I, Chương III Luật Tố cáo 2018 về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ chỉ quy định đối với cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo là người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết, chưa quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức.
Ngoài ra, tại Điều 20 Luật Tố cáo 2018 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội do Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội căn cứ vào nguyên tắc xác định thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Luật Tố cáo hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong tổ chức mình; hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của tổ chức, đơn vị do mình quản lý. Do đó, nguyên tắc chung xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo tại Điều 12 cần quy định bao quát được hết chủ thể giải quyết tố cáo, để làm căn cứ, cơ sở xác định thẩm quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ hai, trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện một số nhiệm vụ chính trị, có những sự vụ có nhiểu tình tiết phức tạp mà từng cá nhân đơn lẻ không thể thực hiện được đòi hỏi người có thẩm quyền phải thành lập các Hội đồng, Tổ công tác, Tổ chuyên gia đấu thầu …(gọi chung là nhóm người, nhóm người này có thể cùng một cơ quan hoặc nhiều cơ quan) để giúp việc thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ nào đó được người có thẩm quyền giao. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, phát sinh những vụ việc tố cáo liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của nhóm người này, thì thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với chủ thể bị tố cáo là nhóm người này do cá nhân, cơ quan, tổ chức nào thực hiện thì chưa được pháp luật về tố cáo hiện hành quy định.
Thứ ba, trong hoạt động quản lý nhà nước, mỗi ngành, lĩnh vực theo thẩm quyền ban hành các loại mẫu văn bản hành chính là để áp dụng chung, thống nhất, hiệu quả, chặt chẽ đối với các đối tượng có liên quan phải thực hiện. Đối với lĩnh vực tố cáo, có 12 loại mẫu văn bản được quy định tại Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ để áp dụng trong các quy trình, thủ tục về giải quyết tố cáo. Trong phạm vi của Luật Tố cáo 2018 đã điều chỉnh đối với một số trường hợp như: Tố cáo không thuộc thẩm quyền thì phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo; trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo; người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo trong một số trường hợp. Tuy nhiên, về mẫu văn bản Thông báo chuyển nội dung tố cáo, Thông báo không thụ lý tố cáo, Quyết định tạm đình chỉ, Quyết định đình chỉ giải quyết tố cáo chưa được quy định cụ thể để áp dụng thống nhất.
Thứ tư, Luật Tố cáo 2018 đã quy định trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng quy định của pháp luật thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo. Trường hợp việc giải quyết tố cáo trước đó có một trong các căn cứ như: Kết quả xác minh hoặc kết luận nội dung tố cáo thiếu chính xác hoặc thiếu khách quan; bỏ sót, bỏ lọt thông tin, tài liệu, chứng cứ quan trọng trong khi xác minh hoặc kết luận nội dung tố cáo; áp dụng không đúng pháp luật trong quá trình xác minh hoặc kết luận nội dung tố cáo thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết lại vụ việc tố cáo theo thời hạn, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo quy định. Kết luận nội dung giải quyết lại vụ việc tố cáo trong đó kết luận về những nội dung vi phạm trong quá trình giải quyết tố cáo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp dưới; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết tố cáo trước đó.
Như đã đề cập ở trên, thẩm quyền giải quyết tố cáo là của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Tuy nhiên, Luật Tố cáo 2018 chỉ điều chỉnh trong phạm vi việc kết luận nội dung giải quyết lại vụ việc tố cáo đối với các kết luận giải quyết tố cáo có vi phạm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp dưới, mà chưa điều chỉnh đối với trường hợp các kết luận giải quyết tố cáo có vi phạm do cơ quan, tổ chức cấp dưới ban hành.
Mặt khác, đối với trường hợp người tố cáo không nhất trí với Thông báo không thụ lý tố cáo và tiếp tục có đơn với nội dung tố cáo đã gửi trước đó gửi đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người ban hành Thông báo không thụ lý tố cáo thì có được coi là tố cáo tiếp hay không? khi người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo trước đó thấy việc ban hành Thông báo không thụ lý tố cáo là vi phạm quy định của pháp luật (lẽ ra vụ việc phải được thụ lý tố cáo), trong trường hợp này thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp sẽ giải quyết lại vụ việc tố cáo theo trình tự quy định tại Điều 37 của Luật Tố cáo 2018 hay là yêu cầu người đã ban hành Thông báo không thụ lý tố cáo phải giải quyết lại vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, kết luận nội dung tố cáo và xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo được ban hành thì các tập thể, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện, trong trường hợp kết luận đó có vi phạm dẫn đến việc tổ chức thực hiện các kiến nghị theo kết luận tố cáo sẽ không chính xác, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của tập thể, tổ chức, cá nhân nào đó. Theo quy định pháp luật Tố cáo hiện hành thì kết luận nội dung giải quyết lại vụ việc tố cáo chưa đề cập đến việc yêu cầu người giải quyết tố cáo trước đó phải cải sửa, huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ kết luận giải quyết tố cáo trước đó có vi phạm; chưa điều chỉnh việc khắc phục hậu quả, việc bồi thường thiệt hại do đã thực hiện các kiến nghị được nêu trong kết luận giải quyết tố cáo trước đó.
Thứ năm, tại Điều 33 Luật Tố cáo năm 2018 quy định người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo, việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Tại Điều 34 Luật Tố cáo 2018 quy định Người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo, trong đó có trường hợp người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo thì Người giải quyết tố cáo ra quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo. Pháp luật tố cáo mới điều chỉnh trường hợp người tố cáo rút tố cáo trong giai đoạn vụ việc tố cáo đó đã được người có thẩm quyền ban hành Quyết định thụ lý tố cáo, còn đối với trường hợp người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo trong giai đoạn xử lý đơn phải giải quyết như thế nào thì Luật Tố cáo 2018, Nghị định 31/2019/NĐ-CP và Thông tư 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh chưa điều chỉnh đến.
Thứ sáu, tại Điều 49 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về bảo vệ người tố cáo để quy định cụ thể trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Theo đó, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ thuộc quyền quản lý và những nội dung bảo vệ khác nếu thuộc thẩm quyền của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ. Tuy nhiên, chưa quy định đầy đủ về thủ tục, thời gian bảo vệ người tố cáo. Cụ thể, theo Điều 56 Luật Tố cáo 2018 “cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định áp dụng biện pháp giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp… cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin của người tố cáo”, chưa xác định rõ cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ.
Thứ bảy, người tố cáo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều 9 Luật Tố cáo 2018. Đối với hành vi cố ý tố cáo sai sự thật là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8 của Luật Tố cáo, chế tài xử lý đối với hành vi cố ý tố cáo sai sự thật đã được đề cập tại điểm c, khoản 1 Điều 44 Luật Tố cáo, theo đó trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, người giải quyết tố cáo xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người tố cáo cố ý tố cáo sai sự thật. Đối với trường hợp người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại Điều 23, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể cán bộ, công chức, viên chức có hành vi biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo…thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Từ thực tế cho thấy, trong các vụ việc tố cáo phần lớn chủ thể tố cáo không phải cán bộ, công chức, viên chức, trong số đó một số cá nhân lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, tố cáo sai sự thật vì mục đích, động cơ cá nhân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức bị tố cáo, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự nhưng chưa có chế tài hướng dẫn xử lý cụ thể đối với các trường hợp này.
Từ những vấn đề như đã phân tích nêu trên, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về tố cáo cho đầy đủ, đồng bộ để các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện được thuận lợi, hiệu quả./.
Thân Văn Hoàn - Thanh tra tỉnh Bắc Giang
Nguồn: thanhtravietnam.vn (26/9/2023)